Khi anh B xuất trình được địa chỉ cuối cùng của chị A thì đủ điều kiện để Tòa án thụ lý vụ án. Tuy nhiên, chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu xin ly hôn phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về nội dung. Trong trường hợp chị A cố tình giấu địa chỉ thì không thể yêu cầu tuyên bố mất tích nên Tòa án căn cứ vào các quy định của Điều 56 Luật HN-GĐ năm 2014 để quyết định.
Đối với trường hợp chị A dẫn con bỏ đi không có tin tức gì hơn 03 năm thì không phải là trường hợp cố tình giấu địa chỉ nên phải có thủ tục yêu cầu tuyên bố chị A mất tích. Nếu Tòa án đã thụ lý vụ kiện ly hôn thì phải tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án để giải quyết trước việc dân sự về tuyên bố một người mất tích. Sau khi quyết định tuyên bố mất tích có hiệu lực, Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án xin ly hôn, căn cứ Khoản 2 Điều 56 Luật HN-GĐ năm 2014, cho anh B ly hôn chị A.
Có vấn đề đặt ra là nếu không đủ điều kiện tuyên bố mất tích thì Tòa án có cho anh B ly hôn không. Theo hướng dẫn tại Tiết b.1, Điểm b mục 8 nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì “nếu Tòa án thấy chưa đủ điểu kiện tuyên bố người đó mất tích thì bác yêu cầu của người vợ hoặc người chồng”. Trong thời kỳ thi hành Luật HN-GĐ năm 2014, khi chưa có hướng dẫn mới về trường hợp này thì vẫn phải áp dụng quy định tại Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP nêu trên.