Biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế

1. Khái niệm biện pháp ngăn chặn trong Tố tụng hình sự:

Biện pháp ngăn chặn được hiểu là các biện pháp mang tính chất cưỡng chế về mặt tố tụng, áp dụng khi có đủ căn cứ đối với bị can, bị cáo hoặc người chưa bị khởi tố trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, để ngăn chặn những hành vi nguy hiểm của họ trong xã hội, ngăn chừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động gây cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Theo quy định tại Điều 109 BLTTHS năm 2015 thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn sau:

  • Giữ người trong trường hợp khẩn cấp;
  • Bắt người (bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ);
  • Tạm giữ;
  • Tạm giam:
  • bảo lĩnh;
  • Đặt tiền để bảo đảm;
  • Cấm đi khỏi nơi cư trú;
  • Tạm hoãn xuất cảnh;

Biện pháp ngăn chặn được áp dụng với mục đích ngăn ngừa không để tội phạm xảy ra hoặc ngăn chặn không để người phạm tội tiếp tục thực hiện tội phạm hoặc cản trở điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trốn tránh đương sự trừng phạt của pháp luật.

Đối tượng bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là người bị buộc tội. Trong đó có người đã bị khởi tố về hình sự như bị can, bị cáo và người chưa bị khởi tố về hình sự như người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ.

Thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn là những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án cũng như các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tùy theo từng vụ án cụ thể. Đối với việc bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã thì người nào cung có quyền bắt.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, pháp luật tố tụng hình sự nước ta quy định nhiều biện pháp cưỡng chế khác nhau nhưng việc áp dụng biện pháp ngăn chặn phải tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo việc ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn có căn cứ pháp luật và thật sự cần thiết. Điều 109 BLTTHS năm 2015 quy định căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn gồm:

  • Để kịp thời ngăn chặn tội phạm:

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho một hoặc nhiều quan hệ xã hội là khách thể được Luật Hình sự bảo vệ. Việc kịp thời ngăn chặn tội phạm, không để tội phạm xảy ra hoặc không để người phạm tội có điều kiện kết thúc hành vi phạm tội của mình gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội là việc cần thiết và cấp bách. Vì vậy, BLTTHS năm 2015 quy định việc kịp thời ngăn chặn tội phạm là một trong các căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn. Căn cứ này thường được áp dụng để giữ người trong trường hợp khẩn cấp khi xác định được một trong các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 110 BLTTHS năm 2015 như: Khi có căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc bắt người phạm tội quả tang trong trường hợp người đó đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt (khoản 1 Điều 111 BLTTHS năm 2015).

  • Khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử:

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, nếu bị can, bị cáo không có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc có hành vi cản trở cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì việc xác định sự thật vụ án sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Đối tượng để áp dụng căn cứ này thường là bị can, bị cáo, người bị truy nã. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang còn có thể áp dụng đối với những người chưa bị khởi tố về hình sự khi có căn cứ cho rằng họ sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, khám phá tội phạm. Căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tốm xét xử được thể hiện qua việc họ đang bỏ trốn, chuẩn bị trốn, làm giả chứng cứ, tiêu hủy chứng cứ, có sự cấu kết, bàn bạc giữa những người đồng phạm nhằm trốn tránh pháp luật, mua chuộc, đe dọa, khống chế người làm chứng, bị hại…

  • Khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ tiếp tục phạm tội:

Khi bị bắt, bị can, bị cáo không phải trong mọi trường hợp đều bị giám sát, quản lý trong nhà tạm giữ, trại tạm giam. Tuy nhiên, đối với người bị bắt, bị can, bị cáo có biểu hiện tiếp tục phạm tội thì việc áp dụng biện pháp cách ly họ với xã hội hoặc hạn chế các điều kiện để họ không thể tiếp tục phạm tội là rất cần thiết. Do đó, BLTHS năm 2015 quy định khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ tiếp tục phạm tội thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với họ để phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Khi áp dụng căn cứ này cần phân biệt với căn cứ “để kịp thời ngăn chặn tội phạm”. Cả hai căn cứ đều nhằm ngăn chặn không để tội phạm xảy ra. Tuy nhiên, điểm khác nhau giữ hai căn cứ này là “để kịp thời ngăn chặn tội phạm” được áp dụng với những người chưa bị khởi tố về hình sự đối với hành vị được xác định là lý do dẫn đến việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với họ, còn để ngăn chặn việc “người bị buộc tội sẽ tiếp tục phạm tội” thường được áp dụng với các bị can, bị cáo (những người đã bị khởi tố về hình sự hoặc đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử) khi có căn cứ cho rằng họ sẽ tiếp tục phạm tội.

  • Để đảm bảo thi hành án

Thi hành án là giai đoạn của tố tụng hình sự nhằm thực hiện các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Vì vậy, nếu người bị kết án có biểu hiện trốn tráng hoặc gây khó khăn trong việc thi hành án thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn. Căn cứ này thường là căn cứ trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, đối tượng là bị cáo bị tuyên án phạt tù. Theo đó, đối với bị cáo không bị tạm giam nhưng bị Tòa án cấp sơ thẩm kết tội, tuyên hình phạt tù mà có căn cứ cho rằng nếu không hạn chế tự do của bị cáo thì bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội, Hội đồng xét xử có thể quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa để đảm bảo thi hành án. Còn đối với bị có không bị tạm giam nhưng bị Tòa án cấp phúc thảm tuyên hình phạt tù thì Hội đồng xét xử ra quyết định bắt tạm giam ngay để bảo đảm thi hành án, trừ trường hợp bị cáo có lý do để hoãn thi hành án phạt tù.

2. Khái niệm biện pháp cưỡng chế trong Tố tụng hình sự:

Biện pháp cưỡng chế là những biện pháp tố tụng hình sự do cơ quan hoặc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội; trong một số trường hợp, áp dụng cả đối với người làm chứng, bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nhằm hỗ trợ cho các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hnahf án hoặc ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội. Các biện pháp cưỡng chế bao gồm: áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tòa tài khoản. Mục đích việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhằm bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án tuân thủ theo quy định của pháp luật.

BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể bốn biện pháp cưỡng chế sau:

  • Áp giải: Là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đến địa điểm tiến hành điều ra, truy tố hoặc xét xử.
  • Dẫn giải: Là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người làm chứng, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hoặc người bị hại từ chối giám định.
  • Kê biên tài sản: Là việc cơ quan có thẩm quyên kiểm kê và cấm chuyển dịch tài sản của bị can, bị cáo phạm các tội mà Bộ luật Hình sự 2015 quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản để bảo đảm bồi thường thiệt hại.
  • Phong tỏa tài khoản: Là việc cơ quan có thẩm quyền ra lệnh tạm ngừng giao dịch đối với một tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc kho bạc nhà nước của bị can, bị cáo bị buộc tội về tội mà Bộ luật Hình sự quy định phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Block "fixed-button" not found