Bình luận Điều 12 Bộ luật Tố tụng hình sự

Điều 12. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân

Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân.

Việc khám xét chỗ ở; khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.

Bình luận:

Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín cá nhân là bảo đảm về những quyền của con người được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 (các Điều 21,22).

Điều 12 BLTTHS đã quy định nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đợi sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín cá nhân trong tố tụng hình sự.

Nguyên tắc bảo đảm quyết bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân trong tố tụng hình sự được thể hiện như sau:

Một là, không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia dình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân.

Hai là, việc khám xét chỗ ở; khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác phải được thực hiện theo quy định của BLTTHS. Cụ thể như sau:

Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án hoặc khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.

Việc khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử chỉ được thực hiện khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án (Điều 192 BLTTHS).

Thẩm quyền, thủ tục khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện của cá nhân và việc thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử của cá nhân phải được thực hiện theo đúng quy định tại các Điều 195,196,197 BLTTHS;

Hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác dưới các hình thức khám xét trái pháp luậ chỗ ở của người khác; đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ, chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ; xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158 BLHS.

Việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như ghi âm, gih hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử chỉ có thể được áp dụng đối với các trường hợp điều tra các vụ án về tội xâm phạm an nình quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền, và tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thẩm quyền, thủ tục áp dụng các biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử phải được thực hiện theo đúng quy định các điều từ 224 đến 228 BLTTHS.

Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải do Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trường Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên xem xét quyết định áp dụng và phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải được tiêu hủy kịp thời.

Các biện pháp tố tụng đặc biệt nếu không cần thiết nữa phải được Viện kiểm sát đã phê chuẩn ra quyết định hủy bỏ kịp thời.

Các hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác dưới các hình thức nếu thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác theo quy định tại Điều 159 BLHS thì người thực hiện hành vi phải bị truy cứu TNHS về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

Các hành vi bị coi là hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác bao gồm: Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào; cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông; nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật; hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Block "fixed-button" not found