Khi giải quyết vụ việc ly hôn thường gồm 03 mối quan hệ là quan hệ hôn nhân, quan hệ về nuôi con chung, quan hệ về chia tài sản. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì đương sự có yêu cầu Tòa án mới giải quyết. Nếu họ chỉ yêu cầu giải quyết về quan hệ hôn nhân, không yêu cầu giải quyết về con chung dưới 18 tuổi thì Tòa án có giải quyết về nuôi con không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 BLTTDS năm 2015 thì:

“…Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”. Tuy nhiên, đối với những vụ việc đặc biệt, có quy định riêng thì phải theo những quy định riêng.

Trường hợp yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì một trong những điều kiện để công nhận là: “Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con” (Điểm b Khoản 4 Điều 394 BLTTDS năm 2015). Như vậy, thỏa thuận về việc nuôi con là bắt buộc phải có; không thể có việc đương sự tự giải quyết.

Trường hợp một bên xin ly hôn, việc nuôi con sau khi ly hôn được quy định tại các Điều 58,81,82,83,84 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014. Khoản 2 Điều 81 quy định: “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định”. Điều 84 quy định: “1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ…Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con”.

“2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a. Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con”.

Từ những quy định trên cho thấy, việc nuôi con sau khi ly hôn phải được Tòa án công nhận hoặc quyết định, kể cả trường hợp đương sự có thỏa thuận.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Block "fixed-button" not found