Theo quy định tại Khoản 4 Điều 189 BLTTDS năm 2015 thì đơn khởi kiện phải nêu được tên và địa chỉ của người bị kiện. Chứng minh thư nhân dân, các giấy tờ tùy thân khác là những tài liệu chứa đựng những thông tin về nhân thân nhưng không phải là tài liệu bắt buộc phải xuất trình kèm theo đơn ly hôn. Tòa án không thể đặt thêm những điều kiện mà Luật không bắt buộc để từ chối không thụ lý vụ án.
Tuy nhiên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì lại là yếu tố bắt buộc phải có khi thụ lý vụ án. Theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015 thì nếu không thuộc trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, nguyên đơn phải sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; “Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc không ghi đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện”.
Trong trường hợp nêu trên, nếu yêu cầu đối với người thứ ba không phụ thuộc vào yêu cầu xin lý hôn (có thể giải quyết bằng vụ án riêng) thì vẫn có thể thụ lý đơn xin ly hôn; việc khởi kiện bổ sung cũng như việc phản tố còn thời gian thực hiện đến trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Cũng cần lưu ý là: Theo quy định tại Khoản 5 Điều 189 BLTTDS năm 2015 thì người khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Quy định này không đòi hỏi phải gửi ngay kèm theo đơn khởi kiện tất cả các tài liệu chứng cứ. Các đương sự có quyền xuất trình chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án.