Việc khởi tố vụ án hình sự là hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền được pháp luật quy định, không phụ thuộc vào ý chí của ai khác ngoài Nhà nước. Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp do BLTTHS năm 2015 quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội, pháp nhân phạm tội. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ, mặc dù sự việc có dấu hiệu của tội phạm nhưng cơ quan có thẩm quyền sẽ không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Một trong những ngoại lệ đó chính là trường hợp chỉ được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại được ghi nhận tại Điều 155 BLTTHS năm 2015 và khoản 3, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS năm 2015.
Phạm vi các vụ án chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại bao gồm các tội phạm được quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135,136,138,139,141,155,156 của BLHS:
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134);
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 135);
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 136);
- Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 138);
- Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 139);
- Tội hiếp dâm (Điều 141);
- Tội cưỡng dâm (Điều 143);
- Tội làm nhục người khác (Điều 155);
- Tội vu khống (Điều 156).
Chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 155 bao gồm Bị hại hoặc người đại diện của Bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Việc rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự được chấp nhận nếu đảm bảo hai yếu tố: thứ nhất, chủ thể rút phải là người đã yêu cầu; thứ hai, ý chí rút hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc, trái ý muốn. Trong trường hợp này, vụ án phải được đình chỉ. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Quy định về trường hợp chỉ được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của Bị hại không chỉ ý nghĩa đối với bị hại mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với Nhà nước và người phạm tội. Đối với bị hại: Quy định này thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước đối với bị hại khi cho phép họ lựa chọn biện pháp bảo vệ quyền của mình theo cách mà họ cho rằng tốt nhất. Bởi vì, đôi khi những thiệt hại về tinh thần mà bị hại phải gánh chịu do tội phạm gây ra lại nặng nề, nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thiệt hại về vật chất. Và quá trình giải quyết vụ án hình sự không những không làm giảm đi những mất mát, tổn thương về tinh thần mà còn tiếp tục khiến họ phải đối mặt với những hệ quả sau đó như bị ảnh hưởng về danh dự, nhân phẩm, lộ bí mất đời tư (đặc biệt trong trường hợp họ là bị hại trong vụ án hiếp dâm, cưỡng dâm). Đối với người phạm tội: Quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại tạo điều kiện cho họ có cơ hội được khắc phục những hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra, khi tội phạm được thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng nhưng không gây nguy hại lớn cho xã hội. Đối với Nhà nước: Quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại giúp cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giảm tải được số lượng lớn công việc nhưng vẫn đảm bảo được việc tuân thủ pháp chế.